Đạo cụ Xòe_Thái

Trước đây, múa Xòe chủ yếu tập trung vào mấy điệu múa khăn. Dần dần, đã thêm nhiều điệu múa Xòe có sử dụng các phương tiện quen thuộc của người Thái để làm đạo cụ diễn xướng. Tên các loại đạo cụ đó trở thành tên gọi cho từng loại múa Xòe, theo những nội dung diễn xướng mang ý nghĩa nghệ thuật và giá trị văn hóa khác nhau: Xe cúp (múa nón), Xe vi (múa quạt), Xe khăn (múa khăn), Xe mák hính (múa quả nhạc), Xe pooc (múa bằng những bông hoa), Xe mạy (múa gậy), Xe tính tẩu (múa đàn tính). Đi theo những điệu múa của từng loại đạo cụ này còn là đội ngũ phục vụ nhạc đệm với những Khèn bè, Đàn tính, Quả nhạc, Trống to - nhỏ, Ống tăng bẳng (ống gõ chế tác như mõ).[3]

Xòe khăn (múa khăn)

Chiếc khăn là sản phẩm của lao động, nó mang cả giá trị vật chất và tinh thần, do người Thái nơi đây sáng tạo ra. Hầu hết các cuộc Xòe đều gắn với việc sử dụng chiếc khăn theo từng dạng thức nâng khăn mời rượu (điệu Khắm khăn mơi lẩu) hay điệu Xòe Đổn hôn (bắt chéo khăn theo các bước tiến - lùi, hoặc điệu Nhôm khăn (tay múa tung khăn lên trên đầu hoặc ra các phía). Người Xòe sử dụng khăn chuyển động với thân người, cùng sự vận động của chân với những tư thế, góc độ, nét mặt, ánh mắt tạo nên những đường nét Xòe với khăn thực sự độc đáo. Ngoài ra, đạo cụ khăn còn là vật trang điểm cho một số động tác Xòe khác. Khi cuộc Xòe diễn ra trước ban thờ do thày cúng chủ trì, chiếc khăn qua các dạng điệu thực hành của các cô gái Thái uyển chuyển biến đổi theo các lớp lang nghi lễ khác nhau. Khi hai tay người múa bắt chéo về từng bên, chiếc khăn biểu tượng cho mái chèo đưa thuyền hướng về thượng nguồn sông Hồng tìm về đất Tổ. Khi chiếc khăn được giăng chéo và giơ cao trên đầu, biểu tượng cho chiếc thang dựng ra để đón linh hồn những người đã khuất về dự lễ cùng con cháu. Khi chiếc khăn được xoắn lại, quay theo nhịp múa, trở thành biểu tượng cho chiếc roi ngựa giong ngựa tiễn đưa linh hồn người đã khuất về thượng giới.[1]

Phụ nữ Thái Trắng không đội khăn piêu thường sử dụng khăn lụa dài để múa còn phụ nữ Thái Đen sử dụng chiếc khăn piêu thường đội đầu có thêu những hoa văn rất đẹp để múa.[1]

Xòe nón (múa nón)

Múa nón Mường Lay (Điện Biên) tiếp thu những động tác múa nón Phong Thổ (Lai Châu) như: Đưa nón sang hai bên người, nhún ngang, đưa nón sau gáy, nghiêng nón hai bên đầu, lao nón, xoay nón trên đầu, ngồi chống nón trước mặt và sáng tạo những động tác riêng nâng nón, ngửa nón, nâng nón sau lưng, đọ nón, xoay nón trước ngực.[1]

Xòe quạt (múa quạt)

Có hai kiểu, múa một quạt và múa hai quạt. Múa một quạt thường đi đôi với khăn, người múa cầm quạt Xòe ở tay phải, khăn (gập đôi) ở tay trái. Còn múa hai quạt thì cầm quạt Xòe ở hai tay, quạt cũng có khi Xòe khi gập. Với điệu múa này tạo ra được sự duyên dáng, uyển chuyển, linh hoạt của người biểu diễn.[1]

Xòe sạp (múa sạp)

Ban đầu Xòe sạp chỉ thực hành đối với số ít người cùng tham gia vì chỉ có hai cây tre hoặc hai cái chày để gõ. Sau đó con người dần sáng tạo sử dụng nhiều cây tre dành cho nhiều người ngồi gõ để phục vụ cho nhiều người cùng tham gia múa. Thông thường múa sạp ngày nay chuẩn bị đạo cụ cần thiết phải có hai cây tre to, thẳng và dài làm sạp cái và nhiều cặp sạp con bằng tre nhỏ hay nứa (đường kính khoảng 3 – 4 cm, dài 3 – 4 m). Khi múa, đặt hai sạp cái cách nhau vừa đủ để gác hai đầu các cây sạp con, từng cây sạp con đặt song song với khoảng cách đều nhau chừng 30 – 40 cm tạo thành dàn sạp. Người múa chia ra một tốp đập sàn và một tốp múa, mỗi tốp có đội hình là những đôi trai gái, càng nhiều cặp tham gia càng khiến đội hình thêm phong phú, sinh động.[1]

Xòe nhạc (múa quả nhạc - Xòe mák hính)

Người múa đeo chùm nhạc (từ 3 - 5 quả), đeo vào ngón giữa, có thể đeo cả hai tay nhưng thông thường đeo một tay phải. Quả nhạc nằm hướng trên mu bàn tay. Trong múa nhạc sử dụng bước chân Phong Thổ, Mường Lay và bước vội. Khi múa, hai bàn tay xấp chồng lên nhau, tay phải ở trên; từ tư thế này hai tay đánh nhạc ra hai bên mở xế gần 45 độ, sau đó hai tay vuốt vào về tư thế ban đầu. Quá trình đánh ra - vào nhạc có tiếng kêu, khi đánh sử dụng mu bàn tay để bật cho nhạc kêu là chính, không dùng bàn tay nắm vào mở ra, mắt nhìn theo tay.[1]

Xòe chai

Đây là điệu múa sử dụng đạo cụ là chiếc chai thường được giữ cân bằng trên đỉnh đầu của người múa kết hợp với những động tác uyển chuyển, khéo léo mà không bị rơi, ý nghĩa của điệu múa này là để mời rượu.[1]